Theo Dự án Đại Sự ký Biển Đông SCSCI, số lượng tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã tăng đáng kể trong hai tuần đầu của tháng ba năm nay, gần gấp ba lần số lượng quan sát được vào cuối tháng hai.
Vùng đặc quyền kinh tế cho phép một quốc gia được độc quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển và đáy đại dương. Dữ liệu này thu thập được từ tín hiệu của hệ thống nhận diện tự động của những con tàu này.
Bà Vân Phạm, người quản lý của SCSCI cho hay “Các tàu Trung Quốc cũng đã hoạt động sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Quảng Ngãi chỉ 60 hải lý”. Còn theo trang theo dõi tàu Marine Traffic, tàu nghiên cứu và khảo sát Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc đã ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hơn 17 tiếng đồng hồ trong ngày 15 tháng 3. Các tàu đánh cá và tàu dân quân biển thường được Cảnh sát biển Trung Quốc hộ tống.
Việt Nam, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền đối với một số phần của tuyến đường thủy chiến lược. Nhưng cho đến nay, Trung Quốc là nước có yêu sách chủ quyền lớn nhất.
Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc các tàu khảo sát hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và gọi chúng là “vi phạm chủ quyền của Việt Nam”. Vào năm 2019, một cuộc biểu tình đã diễn ra ngay trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, vì tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 đã hoạt động nhiều tháng trong vùng biển do Việt Nam kiểm soát.
Trung Quốc đã và đang tiến hành cái gọi là "các chiến dịch vùng xám", sử dụng các lực lượng phi truyền thống như dân quân biển để đạt được các mục tiêu kinh tế và an ninh.
Nguồn: rfa