Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vừa tổ chức hội thảo với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”.
Phát biểu tại hội thảo này, giáo sư Trần Ngọc Thêm ở Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tại Sài Gòn, cho hay “Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động”.
Theo ông, để có con người chủ động, cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm. Ông giải thích “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Chừng nào còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển”.
Là tác giả quyển “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, quyển sách từng bị giới trí thức chỉ ra rằng đây là một sản phẩm xào nấu từ những nghiên cứu của giáo sư Kim Định trước 1975, giáo sư Thêm cũng nói rằng, xã hội truyền thống Việt Nam là “xã hội âm tính”, ưa ổn định nên mục tiêu đào tạo là xây dựng mẫu người thừa hành với căn bệnh thụ động, và thói dựa dẫm ỷ lại.
Nhiều người cho rằng, với một nền giáo dục hoàn toàn mất phương hướng và không hề được đặt trên nền tảng triết lý nào như nền giáo dục ở Việt Nam hiện nay, mà có thể nói đến “phản biện, khai phóng, sáng tạo” thì chẳng có gì mỉa mai hơn.
Để “khuyến khích phản biện và khai phóng”, giáo dục Việt Nam cần điều căn bản nhất là bệ phóng dân chủ; và phải là một thứ dân chủ đích thực đến mức, mà một hiệu trưởng hoặc một giáo viên có thể tự do tháo bảng “Tiên học lễ” nếu thấy cần, có toàn quyền gỡ bảng “5 điều Bác dạy” mà chẳng hề sợ hoặc kiêng ai.
Nguồn: vntb