Trong cuộc gặp hôm 20 tháng 6 tại Campuchia, Thủ tướng Phạm Minh Chính được ghi nhận mong người đồng cấp Hun Sen “tạo điều kiện cho người gốc Việt được củng cố địa vị pháp lý và ổn định cuộc sống”. Tuy vậy, người đứng đầu chính phủ Việt Nam không đả động gì về đường dây lôi kéo người Việt sang Campuchia để tham gia các hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Lời nói của ông Chính cầu xin Hun Sen thực ra chỉ là sự lặp lại phát ngôn của ông khi gặp thủ tướng Campuchia, lúc cả hai cùng dự họp thượng đỉnh Mỹ – ASEAN hồi tháng trước tại Washington.
Liên quan đề nghị này, hồi năm ngoái, báo đảng cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẩn khoản đề nghị chính phủ Campuchia quan tâm đến số phận của cộng đồng gốc Việt tại Campuchia, trong lúc chính quyền Phnom Penh thông báo giải tỏa các nhà nổi, bè cá trên sông.
Việc Thủ tướng Chính phải “xuống nước” với ông Hun Sen trong lúc này là điều dễ hiểu, vì Campuchia đang có chiều hướng ngả vào tay Bắc Kinh. Chỉ dấu mới nhất cho việc này là hồi đầu tháng, Trung Quốc tham gia dự án cải tạo quân cảng Ream ở tỉnh Sihanoukville.
Ông Thủ tướng Chính qua Campuchia dự lễ kỷ niệm lần thứ 45 năm “Hành trình lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot”, nhưng không có phát ngôn hay hành động gì chứng tỏ ông quan tâm đến tình trạng hàng trăm thanh thiếu niên Việt Nam bị lừa bán sang Campuchia để tham gia đường dây lừa đảo trực tuyến.
Đến nay, hầu hết các nạn nhân sau khi sang Campuchia bị cưỡng bức lao động đều phải cầu cứu người nhà ở Việt Nam để được thả về.
Theo báo đảng, chưa có trường hợp nào được Bộ Công an, hay công an các tỉnh thành giải cứu. Việc sống chết của nạn nhân ở Campuchia tùy thuộc vào chuyện gia đình họ ở Việt Nam có đủ tiền chuộc hay không.
Nguồn: datviet