Chính phủ Việt Nam lên án hành vi trục lợi thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu. Thông điệp được người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đưa ra trong cuộc họp báo đầu năm 2022.
Bà Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên báo Dân Việt về thực trạng người Việt về nước theo các "chuyến bay giải cứu" phải trả số tiền lớn, thủ tục khó khăn. Bà cho hay "Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu, cần bị lên án trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật".
Để tránh công dân bị lừa đảo, bị lợi dụng chiếm đoạt tài sản, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân không liên hệ với những cá nhân, tổ chức, các trang thông tin không rõ danh tính, không chính thống, không làm việc qua bất cứ hình thức môi giới trung gian nào.
Bài của báo Dân Việt mô tả "trong suốt gần hai năm qua, thực hiện chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Việt Nam đã phối hợp, hỗ trợ các hãng hàng không trong và ngoài nước thực hiện hơn 800 chuyến bay đưa 200 nghìn công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn". Hiện chưa rõ toàn bộ 800 chuyến bay mà bài báo này nói tới là "chuyến bay giải cứu" hay không.
Các "chuyến bay giải cứu" theo cách diễn giải của nhà chức trách Việt Nam, bấy lâu nay được hiểu là dành cho hành khách có hoàn cảnh đặc biệt theo thứ tự ưu tiên.
Vào tháng 12, Việt Nam mở lại "đường bay quốc tế" với một số thị trường, đa số tại châu Á, nhưng nhiều tuần sau đó không có kế hoạch cụ thể và hành khách có nhu cầu về nước vẫn phải tìm cách mua vé trọn gói, bao gồm phí khách sạn, ăn uống xét nghiệm, chuyên chở khách ở trong nước, lên tới hàng chục triệu mỗi vé và là vé một chiều.
Nguồn: bbc