Để về được Việt Nam theo con đường nhập cảnh "chui", ông Hậu phải bỏ ra khoảng 18 triệu đồng, và bị công an bắt khi quay về nước.
Ngày giáp Tết Quý Mão, ngồi ở chốt kiểm soát của Đồn biên phòng ở Cao Bằng, ông Hậu kể vào tháng 4 năm 2021, ông sang Trung Quốc làm thuê khi nghe nói đi bốc vác hàng có thể kiếm chục triệu mỗi tháng.
Nhờ sự hỗ trợ của người bà con bên Trung Quốc, ông Hậu vượt biên thành công và đi bốc vác trong một công xưởng ở Quảng Châu. Cuộc sống của lao động chui chỉ loanh quanh trong nhà xưởng hàng nghìn mét vuông, giữa đống hàng hóa và những đồng nghiệp không hiểu nhau nói gì. Tiền công mỗi tháng hơn 14 triệu đồng, ông Hậu nhờ chuyển về Việt Nam cho con. Kết nối duy nhất của ông với thế giới bên ngoài là những cuộc trò chuyện qua mạng xã hội với con cái ở Việt Nam.
Sau một thời gian cố ở lại kiếm thêm chút tiền dưỡng già, Tháng Mười năm 2022, ông làm đơn xin nghỉ việc về Việt Nam với lý do “lấy vợ,” nhưng hai tháng sau mới được giải quyết.
Nghe theo lời mách nước, ông Hậu lên các hội nhóm người Việt trên Wechat, Zalo, tìm xe đưa về nước. Chi phí cho chuyến hồi hương là 18 triệu đồng, với lời cam kết “sẽ được đưa về tận biên giới Việt Nam an toàn.”
Bắt đầu hành trình hồi đầu Tháng Giêng, sau bốn ngày đêm với bốn lượt xe trung chuyển, ông Hậu cùng 14 người khác tới được khu vực biên giới, nơi họ sẽ phải vượt qua vùng rừng núi và hàng rào thép gai mới về tới đất Việt Nam. Vào ban đêm, nhóm người này lần mò băng rừng dựa vào ánh trăng rằm, chứ không dám bật đèn pin vì sợ Công An Trung Quốc phát giác.
Ông Nông Đình Sự, đồn phó Đồn Biên Phòng Cửa Khẩu Lý Vạn, cho biết người Việt đi làm thuê bên Trung Quốc thường có mạng lưới kết nối qua Wechat hoặc Zalo, giúp họ hồi hương trái phép. Trong ba năm qua, đồn biên phòng này tiếp nhận hơn 21,000 người Việt Nam trở về.
Nguồn: vnexpress