Chủ tịch Trung Quốc đã đến thủ đô nước Nga trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài ba ngày và hội đàm trực tiếp với Tổng thống Vladimir Putin.
Điểm đáng chú ý là ông Tập Cận Bình đến gặp ông Putin trong tư thế “bề trên”. Ông vừa giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa có tiền lệ trong chức vụ chủ tịch Trung Quốc. Trong khi đó, ông Putin vừa bị Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh bắt giữ trên toàn cầu, với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine.
Chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình là một đánh dấu rõ ràng về sự hậu thuẫn dành cho Nga và vị tổng thống của nước này, vào thời điểm Điện Kremlin đang chịu sức ép nặng nề từ quốc tế. Để chống lại các lệnh trừng phạt từ Phương Tây và tìm cách trụ đỡ cho nền kinh tế, Nga đã gia tăng giao thương với Trung Quốc, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng. Dự kiến các đường ống dẫn dầu, khí đốt và năng lượng sẽ nằm trong chương trình nghị sự trong các cuộc hội đàm giữa hai ông.
Trung Quốc có vẻ như đứng về phía Nga, không lên án cuộc xâm lược của Putin ở Ukraine, bảo vệ Nga trước Liên Hiệp Quốc, nhưng không tích cực giúp Putin giành chiến thắng, không cung cấp vũ khí cho Nga, như NATO đang làm cho Ukraine. Dù quảng bá rằng Trung Quốc muốn là một cường quốc có trách nhiệm, có ý định kiến tạo hòa bình cho các cuộc xung đột, nhưng trong thâm tâm, ông Tập không muốn chiến tranh Nga-Ukraine sớm chấm dứt, vì chiến tranh càng kéo dài thì Trung Quốc càng có lợi.
Chiến tranh không chỉ gây đau thương cho người dân Ukraine, mà còn làm suy yếu đáng kể thế lực của cả Nga, Hoa Kỳ và Châu Âu. Vì chiến tranh mà vị thế giữa hai nước bị đảo ngược, Nga phụ thuộc ngày càng sâu vào Trung Quốc.
Với sự vượt trội về kinh tế, dân số, được hậu thuẫn sức mạnh quân sự, Trung Quốc toan tính làm chủ từ Trung Á cho đến Viễn Đông. Với một cái đầu tham vọng như ông Tập, kẻ đã từ bỏ di sản chiến lược “thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình, ông muốn thấy “giấc mộng Trung Hoa” trở thành hiện thực ngay trong thời gian ông còn tại vị.
Nguồn: saigonnhonews