Hãng hàng không Cathay Pacific của Hong Kong đã sa thải ba tiếp viên, sau khi có khiếu nại rằng họ phân biệt đối xử hành khách không biết nói tiếng Anh.
Vụ việc diễn ra sau khi một đoạn video ghi lại cảnh các tiếp viên của hãng chế nhạo hành khách, hỏi nhầm mượn “thảm” (carpet) thay vì “chăn đắp” (blanket) khi hành khách nói bằng tiếng Anh.
Vụ việc đã gây ra nhiều chỉ trích trên mạng xã hội ở Trung Quốc, nhiều người kêu gọi tẩy chay Cathay Pacific. Trưởng đặc khu Hong Kong Lý Gia Siêu cũng cho biết, vụ việc đã "làm tổn thương cảm xúc của các đồng bào ở Hong Kong và đại lục".
Giám đốc điều hành của Cathay Pacific đã xin lỗi về vụ việc và cho biết cá nhân ông sẽ chỉ đạo một đội ngũ đặc nhiệm để tiến hành đánh giá quy tắc ứng xử của hãng.
Cathay Pacific đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt và đóng cửa biên giới của Trung Quốc, dẫn đến tình trạng cắt giảm nhiều việc làm vào năm 2020, thời điểm đại dịch đạt đỉnh.
Greg Waldron, biên tập viên phụ trách khu vực châu Á của trang tin tức FlightGlobal, nói với BBC “Cathay phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, đây là thị trường trọng điểm của hãng bay đối với cả các chuyến du lịch nội địa đến Hong Kong, cũng như lưu lượng trung chuyển đến các điểm đến trong mạng lưới rộng lớn hơn của Cathay”.
Trước Cathay, các thương hiệu lớn như H&M, Nike, Adidas và Puma đều đã phải hứng chịu những phản ứng dữ dội do truyền thông xã hội gây ra ở Trung Quốc, về sự thiếu nhạy cảm văn hóa hoặc tranh cãi chính trị.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh từng phát biểu “Bất kỳ ai xúc phạm người dân Trung Quốc nên chuẩn bị sẵn sàng để trả giá”.
Nguồn: bbc