Trong động thái bị nhiều người cho là "ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc", Thủ tướng Nga đã ký văn bản cho Bắc Kinh dùng cảng Vladivostok như một đầu mối ra biển của tuyến vận tải nội địa Trung Quốc ở các tỉnh Hắc Long Giang, Liêu Ninh và Cát Lâm.
Phủ thủ tướng Nga thông báo, từ ngày 1 tháng 6, cảng Vladivostok, thuộc vùng đất mà Nga bắt nhà Thanh nhượng lại năm 1860, sẽ chính thức trở thành một cảng trung chuyển của Trung Quốc.
Hiện nay, cảng Vladivostok nhận gần 1 triệu container hàng hóa một năm, nhưng việc gắn nó với các tuyến vận tải trên bộ của Trung Quốc chắc chắn sẽ đẩy lưu lượng xuất nhập khẩu tăng cao. Phía Nga cũng đồng ý đưa dầu khí sang châu Á qua cảng này.
Theo các nhà quan sát quốc tế, đây là sự việc "chưa từng có", giúp Trung Quốc rút ngắn gần 1,000 cây số khoảng cách vận chuyển hàng hóa trên bộ từ tỉnh Cát Lâm ra biển Thái Bình Dương. Trong hơn 160 năm qua, Vladivostok là cảng nhà của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên bang Nga, nhưng Trung Quốc luôn gọi đó là Hải Sâm Uy.
Với vị thế của Bắc Kinh lên cao trong khi Nga ngày càng khó khăn về kinh tế và bị cô lập, trừng phạt bởi Phương Tây vì cuộc xâm lăng Ukraine, trên thực tế Trung Quốc có vẻ đang giành lại quyền lợi ở vùng biên giới. Nhiều người gọi đây là dấu hiệu Nga đang trở thành "chư hầu" của Trung Quốc. Nhà bình luận các vấn đề thời sự Dương Ninh, viết trong bài báo của mình cho The Epoch Times “Một khi Trung Quốc xâm lược Đài Loan, phương Tây chắc chắn sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt. Có thể Hoa Kỳ sẽ cắt đứt nguồn cung cấp cho Trung Quốc trên các tuyến đường chẳng hạn như qua Eo biển Malacca và kênh đào Suez. Khi đó, các tàu của Trung Quốc có thể sử dụng Vladivostok để đi tuyến đường Bắc Cực.”
Nguồn: bbc